Việc xác định thời gian Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều có ý nghĩa lớn trong việc tìm hiểu tác giả cũng như giá trị tác phẩm. Đến nay chúng ta chỉ gặp được một tư liệu trong Đại Nam liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn: “Du rất giỏi về thơ và thơ Quốc âm rất hay, khi sang sứ nước Thanh về có tập thơ Bắc hành và truyện Thuý Kiều lưu hành ở đời”. Nhiều người tin theo điều đó. Thế nhưng từ năm 1943, sau khi ông Hoa Bằng công bố Tựa Kim Vân Kiều án của Nguyễn Văn Thắng, học giả Đào Duy Anh đã đặt lại vấn đề thời gian sáng tác Truyện Kiều. Sau đó các nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn, Thạch Giang, Trương Chính, Vũ Đức Phúc, Đào Thái Tôn, Nguyễn Quảng Tuân và gần đây nhất, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có hàng loạt bài bàn về vấn đề này và các ý kiến vẫn chưa thống nhất. Bạn đọc rất quan tâm đến vấn đề đó. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin nêu một vấn đề: Tính chính xác của các căn cứ chủ yếu mà một số nhà nghiên cứu đã nêu lên.
1. Ý kiến của học giả Đào Duy Anh: Trong bài “Nguyễn Du viết Đoạn trường tân thanh vào lúc nào” (Báo Thanh nghị số 32, tháng 3-1943) học giả đưa ra hai căn cứ.
a. Căn cứ thứ nhất “Sách Liệt truyện nói rằng Nguyễn Du đi sứ về thì có Bắc hành thi tập và Thuý Kiều truyện hành thế. Nhưng sách Liệt truyện sơ tập soạn ở đời Tự Đức, sau năm Tự Đức thứ 5, tức là sau khi Nguyễn Du mất đến 30 năm cũng có thể chép sai được (Thực lục cùng có chỗ chép sai, huống là Liệt truyện)”.
- Sách Đại Nam liệt truyện do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn. Đây là cơ quan có nhiều tài liệu về quan chức triều Nguyễn trong đó có tài liệu gốc về Nguyễn Du: Thư từ riêng, một số ghi chép như dạng nhật ký, đặc biệt có một bản thảo Truyện Kiều với những chỗ xoá chữ này thay chữ kia (theo Cụ Nguyễn Đình Ngân - Giám đốc Văn hoá Viện Trung Bộ). Cơ quan Quốc sử quán gồm những người có học vấn cao, làm việc nghiêm túc, khi viết tiểu sử, hành trạng, tính cách của quan chức họ “tham bộ, khảo sát, đính chính”, “tìm lấy nguyên nhân từ trước, cốt yếu về sau, việc xét đúng.” Cơ quan đó viết sau khi đi sứ về Nguyễn Du có Truyện Kiều chắc là có cơ sở. Một bộ sách viết về tiểu sử hàng trăm nhân vật từ vua chúa đến quan lại tất nhiên không tránh được một số sai sót. Thế nhưng cho rằng “Thực lục có chỗ chép sai” để rồi cho ý kiến trên của Liệt truyện sai là một quy nạp không đầy đủ, thiếu chính xác.
b. Căn cứ thứ hai: Lời của Nguyễn Văn Thắng trong bài “Tựa Kim Vân Kiều án... Kịp đến Quan Đông Các nước ta phu diễn ra Quốc âm”. Học giả cho rằng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều lúc làm Đông các học sĩ (1805-1809).
Căn cứ này cũng không chính xác. Khi Nguyễn Du mất, Nguyễn Văn Thắng mới 18 tuổi. Trong chế độ phong kiến việc phong chức cho ai không có phương tiện thông tin đại chúng, không có văn bản bố cáo cho toàn dân thì liệu cậu thanh niên “Lênh đênh giang hồ mây trôi bèo dạt” này có hiểu kỹ con đường quan lộ của Nguyễn Du không? Không hiểu thời đó có quy định nào chỉ ghi tên chức vụ tác giả đúng theo lúc tác phẩm ra đời, hay Nguyễn Văn Thắng cẩn thận đến thế? Nếu con người cẩn thận đến vậy, sao lại đếm Đoạn trường tân thanh chỉ có một 1575 câu? Dựa vào bản “có khắc nhiều chữ sai lầm” chỉ lấy một chi tiết đó mà vội cho rằng Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi làm Đông các học sỹ đã đúng chưa? Về việc này tôi thấy học giả Hoàng Xuân Hãn có một lý giải rất đáng chú ý: “Ông ấy gọi Cụ Nguyễn Du là Hầu Đông các chứ không nói là Hầu Cần chánh” cái titre, Cần chánh là Vua Gia Long cho Cần chánh học sĩ để mà đi sứ. Lúc đi sứ, người ta thường cho một cái titre cao hơn titre thường, nhưng ra ngoài người ta chỉ biết chức Hầu Đông các”(1).
Như vậy căn cứ này của học giả Đào Duy Anh cũng không chính xác.