4. BÀU TRẮNG là một hồ nước ngọt ngày xưa thuộc xã Bình Nhơn huyện Hòa Đa, nay thuộc thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bàu Trắng có từ lâu đời nằm ở giữa các động cát và rừng cây thấp. Nước hồ rất trong; từ xa nhìn mặt hồ như một dải lụa mịn màng. Bàu Trắng chia thành hai bàu bởi một đồi cát vắt ngang qua. Nhân dân gọi là Bàu Ông, Bàu Bà.
Sử cũ viết về Bàu Trắng: "Hồ Trắng có hai hồ, hồ trên và hồ dưới ở phía tây nam huyện Hòa Đa. Phía tây ba động, hồ trên chu vi 8 dặm lịch, hồ dưới chu vi 12 dặm lịch, nước trong, ngọt, bốn mùa không tăng không giảm. Phía tây bắc là động cát, phía tây nam là chân rừng, trên bờ phía nam có đền thờ Chúa Động (Đền thờ nữ thần Thiên Y Ana đã bị sụp đổ.)”. Nơi sâu nhất của Bàu Trắng là 19m, quanh bàu có rất nhiều bông sen. Vào mùa hạ sen nở rộ tô điểm thêm cho vùng cát trắng những màu sắc rực rỡ. Bàu Trắng là nơi có nguồn nước ngọt duy nhất của xã Hòa Thắng và cả khu căn cứ Lê Hồng Phong, như một bầu sữa lớn nuôi bộ đội và đồng bào trong hai thời kỳ kháng chiến.
Bàu Trắng còn là một thắng cảnh của Khu Lê Hồng Phong, Bàu Trắng với nguồn nước mát quanh năm đã làm dịu đi cái không khí nóng bỏng của vùng đồi cát này. Năm 1876 nhà thơ Nguyễn Thông khi đi ngang đã từng làm thơ ca ngợi cảnh đẹp Bàu Trắng. (Xem chương Văn học, Phần Văn hóa xã hội, Địa chí Bình Thuận).
5. HẢI ĐĂNG KHE GÀ tọa lạc tại đảo Khe Gà có diện tích 5 ha ở vùng biển xã Tân Thành trước thuộc huyện Hàm Tân, nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam, do một kỹ sư người Pháp thiết kế xây dựng khởi công từ tháng 2 năm 1897, đến nay hải đăng vẫn còn một tấm đá hoa cương lớn đặt ngay trước cửa vào khắc số 1899 đánh dấu năm khánh thành. Hải đăng Khe Gà chính thức hoạt động năm 1900. Nhân viên điều hành gồm có một người Pháp (trạm trưởng) và 8 người Việt canh giữ đèn.
Trong lịch sử hàng hải ở khu vực mũi Khe Gà, các thế hệ trước có rất nhiều thuyền buôn qua lại bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Do vị trí hiểm yếu của vùng biển này, và để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng qua đây, người Pháp đã nghiên cứu cho dựng ngọn hải đăng Khe Gà. Trong thời gian xây dựng có rất nhiều người chết do tai nạn.
Đảo Khe Gà cách bờ biển 500m. Những ngày nước ròng, từ bờ biển có thể lội ra đảo được. Lúc triều cường và có gió đi lại rất vất vả. Trên đảo, ngọn hải đăng được xây dựng tương đối đồ sộ, có lẽ đây là ngọn hải đăng cao nhất trong nước, xây bằng đá hoa cương, hình bát giác. Tháp đèn xây bằng đá cao 35m, độ cao toàn bộ từ mặt đất đến chóp đèn 41,5m, độ cao từ tầm ngọn đèn đến mặt biển 65m, kích thước cạnh của tháp (chân tháp) 2,60m. Chiều dày tường tháp từ chân tháp đến độ cao 6m là 1,6m, càng lên cao dộ dày càng giảm từ 1,50m và mỏng nhất ở đỉnh tháp là 1 mét. Trên ngọn tháp có bóng đèn lớn 2000 oát làm tín hiệu hướng dẫn tàu bè qua lại.
Ngoài ngọn hải đăng, còn có một căn nhà lớn xây dựng cùng thời; dưới nhà là một hầm chứa nước sâu 3m, trước nhà có một giếng gọi là giếng tiên. Từ dưới mép nước biển đến hải đăng có hàng chục bậc cấp. Hai hàng hoa sứ dọc theo lối đi và xung quanh chân hải đăng trồng từ cuối thế kỷ trước đến nay còn nguyên, tỏa bóng mát quanh năm. 184 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn lên đến đỉnh đèn. Tuy đường sá đi lại còn bị gián đoạn, nhưng trong tương lai sẽ là điểm du lịch hấp dẫn với du khách. Bởi Hải đăng Khe Gà vừa là thắng cảnh vừa là di tích kiến trúc độc đáo.
6. KHU CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN LÊ HỒNG PHONG thuộc loại hình căn cứ lõm; địa hình bao gồm chủ yếu là rừng cây ô rô, động cát, đất đai khô cằn, ít nước, thuận lợi cho hoạt động của chiến tranh du kích. Khu căn cứ mang tên nhà cách mạng Lê Hồng Phong, người địa phương thường gọi tắt là Khu Lê, có diện tích khoảng 600km2, phía đông giáp biển, các phía khác giáp với đồng bằng của các huyện Hàm Thuận và Bắc Bình.
Khu căn cứ này ra đời do các lực lượng kháng chiến lợi dụng địa hình rừng núi để làm nơi trú quân hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Lúc đầu căn cứ trú đóng lập ở vùng Ô Rô - Hố Đất, về sau mở rộng ra ba xã: Hồng Sơn, Hồng Hải, Hồng Liêm hình thành một khu căn cứ tương đối hoàn chỉnh.
Tháng 4/1951, Tỉnh ủy Bình Thuận chủ trương tiếp tục mở rộng khu căn cứ Lê Hồng Phong thành huyện căn cứ gồm phần đất phía Đông huyện Hàm Thuận và phía Nam huyện Bắc Bình để đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến. Toàn huyện có 11 xã, lấy tên đầu của mỗi xã bằng chữ Hồng: Hồng Sơn, Hồng Trung, Hồng Hải, Hồng Thanh, Hồng Liêm, Hồng Thịnh, Hồng Tiến, Hồng Chính, Hồng Thắng, Hồng Thái, Hồng Lâm. (Đến giữa 1954 ta giải phóng thêm phía Nam Lương Sơn lập nên xã thứ 12 là Hồng Tân). Năm 1973, Khu Lê Hồng Phong được tổ chức lại còn 6 xã.
Địa hình của khu căn cứ Lê Hồng Phong đầy hiểm trở. Cây rừng rậm rạp với nhiều loại cây leo: mấu trúc, dây xanh, có nơi đầy gai ô rô chằng chịt dọc ngang từ 5 - 10km có lợi thế trong việc ấn giấu, trú quân cho ta; nhưng đi lại khó khăn và thường gặp thú dữ. Thêm vào đó đến mùa khô, Khu Lê là vùng cát nóng, thiếu nước; kẻ thù khó trụ quân lâu nhưng lực lượng du kích cũng chịu vô cùng gian khổ. Nước để sinh hoạt có nhiều lúc phải đổi bằng máu. Phải đi hàng giờ leo dốc, cát lún mới đưa về căn cứ được một gánh nước. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong một ngày chỉ được cấp nửa lít nước sinh hoạt. Đây là đặc trưng của cuộc sống ở Khu Lê. Nhưng đây chính là nơi để tồn tại và phát triển lực lượng suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, là nơi đứng chân vững chắc của Tỉnh và Ban cán sự Cực Nam, là bàn đạp để lực lượng ta tổ chức tấn công địch liên tục.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Khu Lê Hồng Phong lại trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng.Nổi lên với các trận chống càn của quân và dân các xã sâu trong căn cứ.Thường thì địch bị thiệt hại nặng do những bãi chông, mìn và súng săn máy bay. Nhiều xe tăng và máy bay bị du kích Khu Lê bắn cháy gây nỗi khiếp sợ kinh hoàng cho địch.
Nói đến Khu Lê là nói đến truyền thống anh hùng, sáng tạo, anh dũng vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm đánh địch, là nói đến ý chí chịu đựng gian khổ, sự hy sinh cống hiến vô cùng to lớn của quân và dân ta. Khu lê qua hai cuộc kháng chiến đã sáng tạo ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá của chiến tranh nhân dân mà không có nơi nào có được. Ở đây cũng nảy sinh nhiều tấm gương sáng ngời khí phách và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Trong số các xã của Khu căn cứ kháng chiến Lê Hồng Phong, hai xã Hồng Thái và Hòa Thắng (Ba xã Hồng Lâm, Hồng Chính, Hồng Thắng hợp thành) đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang