Giữa thế kỷ thứ mười, đất nước ta lâm vào cảnh loạn lạc, chia cắt, với sự trỗi dậy của mười hai sứ quân cát cứ 12 vùng. Lịch sử gọi là thời kỳ “nhị thập sứ quân”, hoặc “loạn mười hai sứ quân”. Đó là:
1- Ngô Xương Xí chiếm giữ Bình Kiều, nay là Khoái Châu-Hưng Yên
2- Trần Lãm chiếm giữ vùng Bố Hải, nay là Tiền Hải-Thái Bình
3- Nguyễn Thủ Tiệp chiếm giữ vùng Tiên Sơn, nay thuộc Bắc Ninh
4- Lý Khuê chiếm giữ vùng Thuận Thành, nay thuộc Bắc Ninh
5- Lã Đường chiếm giữ Văn Giang, nay là vùng tiếp giáp Bắc Ninh-Hưng Yên
6- Phạm Bạch Hổ chiếm giữ Đằng Châu, nay thuộc Hưng Yên
7- Nguyễn Siêu chiếm giữ Thanh Trì, nay là ngoại thành Hà Nội
8- Nguyễn Khoan chiếm giữ vùng Vĩnh Tường, nay thuộc Vĩnh Phúc
9- Kiều Công Hãn chiếm giữ vùng Bạch Hạc, nay thuộc Việt Trì-Phú Thọ
10- Kiều Thuận chiếm giữ Cẩm Khê, nay là vùng tiếp giáp Sơn Tây-Phú Thọ
11- Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ vùng đất nay thuộc Thanh Oai-Hà Tây
12- Ngô Nhật Khánh chiếm giữ vùng Đường Lâm, nay thuộc Hà Tây
Mười hai sứ quân trên đây thường xuyên đánh chiếm đất đai, thôn tính lẫn nhau. Nổi lên có sứ quân Trần Lãm, tự xưng là Trần Minh Công, nuôi chí dẹp loạn để thống nhất đất nước. Sau khi Trần Lãm mất (khoảng năm 960-965), một thuộc tướng của Trần Lãm là Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục sự nghiệp của ông, lần lượt đánh tan các sứ quân còn lại, thống nhất đất nước, lên ngôi Hoàng đế năm 968, xưng là Đinh Tiên Hoàng, đặt Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Trường Châu, nay là Hoa Lư-Ninh Bình. Nhà Đinh bắt đầu từ đó.
Đinh Bộ Lĩnh sinh năm 924 tại Hoan Châu, nay là Nghệ An, là con trai của thứ sử Hoan Châu Đinh Công Trứ. Đinh Bộ Lĩnh mồ côi cha lúc còn nhỏ tuổi, được mẹ đưa về quê là vùng Trường Châu (Hoa Lư-Ninh Bình) nuôi dạy. Tư chất phi thường của Đinh Bộ Lĩnh bộc lộ từ lúc còn nhỏ, được bè bạn thiếu niên suy tôn làm “thủ lĩnh”. Lớn lên, ông theo minh chủ Trần Lãm để thực hiện chí làm vua. Tiếc là triều Đinh chỉ tồn tại được 12 năm, truyền ngôi được 2 đời. Đến năm 980 cơ nghiệp nhà Đinh được trao cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, mở đầu triều đại Tiền Lê của nước ta.
TẦM THƯ