..♥: Sân chơi danh riêng cho 9a7 của tui :♥..
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

..♥: Sân chơi danh riêng cho 9a7 của tui :♥..

...┼:.♥.: Sân chơi của cộng đồng Mũi Né :.♥.:┼...
 
Trang ChínhTrang Chính  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  

 

 Nhạc sĩ Khánh Băng

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin
Admin


Tổng số bài gửi : 333
Age : 31
Registration date : 27/04/2008

Nhạc sĩ Khánh Băng Empty
Bài gửiTiêu đề: Nhạc sĩ Khánh Băng   Nhạc sĩ Khánh Băng Icon_minitime21/6/2008, 06:33

Tiếc thương cho một kiếp người mang kiếp cầm ca...
Từ biệt thế gian bao điêu linh sang chốn lãng quên.

(Lam Phương - Bài Kiếp Ve Sầu)

Đầu Xuân nơi xứ người, ngày mùng Hai Tết, Chiếc ra-dô thân yêu của bà xã tôi quen đặt tại nhà bếp phát bài hát "Sầu Đông": Chiều nay gió đông về. Dừng chân trên bến xưa. Đời trai gió sương, về thăm cố hương... Còn mỏi mệt do nhiều công việc dồn dập trong năm, đầu óc tôi chưa kịp tỉnh trí để thắc mắc tại sao ngày đầu năm thiếu gì nhạc xuân mà lại chọn bài "Sầu Đông" thì được bà xã thông tin vắn tắt: "Nhạc sĩ Khánh Băng đã mất vào ngày mùng Một Tết bên Việt Nam", theo lời xướng ngôn viên đài phát thanh trước khi giới thiệu bài "Sầu Đông".

Như vậy, trong giới nghệ sĩ tân nhạc, nhạc sĩ sáng tác, thêm một mất mát xảy ra là "khánh đã vỡ, đàn lại đứt dây" nữa rồi! Tuy không được quen biết hay tiếp xúc như với một vài nhạc sĩ khác, nhưng vì có một hai kỷ niệm nho nhỏ với nhạc sĩ Khánh Băng và thực sự ưa thích một số sáng tác của nhạc sĩ còn nằm đó trong tiềm thức, tôi cảm thấy muốn viết đôi điều về người nhạc sĩ vừa hết kiếp ve sầu, đã giã biệt sầu đông vào một ngày đầu xuân trên quê hương.

Theo sự tìm hiểu riêng, Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, sinh năm 1935, quê quán tại Vũng Tàu. Không rõ cố nhạc sĩ chọn bút danh sáng tác Khánh Băng với ý nghĩa nào, còn theo Hán tự, ý nghĩa hai chữ Khánh Băng rất "văn nghệ", cầm kỳ thị họa: Khánh là loại nhạc khí làm bằng ngọc, bằng đá, có âm thanh trong và ngân vang. Băng, thường ghép với chữ huyền thành băng huyền, là loại đàn cầm có dây. Người nghệ sĩ hay nhạc sĩ chọn tên "Khánh Băng" thì quả là quá hay, quá đẹp.

Khánh Băng vào con đường nhạc như một nhạc công, một nhạc sĩ trình diễn và leo lên bực cao hơn là trình tấu, phô diễn một mình (solo) một nhạc phẩm nổi tiếng.

Nhớ vào khoảng cuối thập niên 1950, ở vào tuổi mười bốn, mười lăm, tôi có đi coi một chương trình đại nhạc hội tại rạp Đồng Thinh (không nhớ đoàn gì), đêm đó nhạc sĩ Khánh Băng độc tấu Tây Ban Cầm bản "Espana Carl" lừng danh. Chàng nghệ sĩ mặc áo lụa trắng, thân và tay áo rộng có dún, phùng to, quần nhung đen, chẻn, và thắt lưng to bản màu đỏ thắm như các danh cầm thủ Tây Phương trang phục khi biểu diễn Tây Ban Cầm. Qua hôm sau hay một vài hôm gì đó, tôi gặp chàng nghệ sĩ ngoài đời tại một điểm chơi banh bàn. Nơi đây, thời đó, tôi thường hay lui tới "đá banh bàn" để có cảm giác khoái trá khi trái banh "tung lưới" địch nghe cái "bung" sướng cái lỗ tai làm sao! Có lẽ nơi tỉnh nhỏ Rạch Giá không có trò giải trí dành cho người lớn như Sài Gòn nên chàng thanh niên Khánh Băng mới lê chân tới chỗ chơi của con nít trong những ngày còn lưu diễn tại Rạch Giá. Trong đoàn hát còn có vũ sư Lưu Hồng, con chim đầu đàn của ban vũ "Lưu Hồng - Lưu Bình", là cậu của một người bạn học tôi tên Sanh. Về sau, tới tuổi lính, Sanh gia nhập đoàn tâm lý chiến tại Cần Thơ với sở trường sử dụng đàn ghi-ta. Thân mẫu của Sanh, người đàn bà ở góa có sạp thuốc rê trong Chợ Nhà Lồng Rạch Giá buôn bán độ nhựt thay chồng nuôi con khôn lớn. Rồi qua hơn hai mươi năm sau (1972; 1973) tại Sài Gòn, tôi lại có dịp tương ngộ Khánh Băng khi gặp cảnh đổi chỗ ở sau nhiều năm trọ học tại nhà của hai người ân nhân (ông bà Võ Văn Cầm). Khi tôi và chú em "tha" trước những món đồ đến gởi tại chỗ sắp dọn tới để ở chung với người bạn đồng hương tên Huỳnh Trí Quang (hiện sống tại Canada) thì gặp Khánh Băng kế bên nhà đang đạp nổ máy chiếc xe "Vespa" kiểu xưa, phía sau thấp tè, nên bị đặt tên là "kiểu đít vịt lùn", màu xanh xám, hiệu Plagi. Khu nhà nằm trong một đường nhỏ đâm thẳng ra đường Phạm Ngũ Lão, thấy ngay mặt tiền rạp hát Vistarama Quốc Tế.

Lúc bấy giờ nhìn Khánh Băng đã phong sương đi nhiều, tóc pha muối tiêu, vóc dạng gầy gò hơn xưa. Trên môi anh vẫn ngậm điếu thuốc, phì phà khói và nheo mắt khi vô số xe vọt đi. Nghĩ rằng sớm muộn cũng còn nhiều dịp làm quen, trò chuyện với người nhạc sĩ mà mình đã gặp hơn hai mươi năm trước tại tỉnh nhà, nhưng rồi thay đổi vào giờ chót, anh em tôi không về ở nơi đấy, chưa có duyên làm bạn hàng xóm với Khánh Băng. Anh em tôi thuê một phòng ở tầng một của ngôi nhà hai tầng lầu trong hẻm thông ra đường Ngô Tùng Châu (Ngã Sáu Sài Gòn). Lần này, được một duyên khác, anh em tôi trở thành người hàng xóm với một người quen đồng hương cao niên mà tôi vẫn gọi là "Thầy Ba Giáo" từ tấm bé. Người này, có thể nói, nổi tiếng không thua gì tổng thống, cả nước đều nghe tiếng: ông thừa phát lại Trần Duy Giáo, người có trách nhiệm kiểm soát các trái banh, các vòng quay trước khi xổ số. Câu nói trang trọng cố hữu của xướng ngôn viên: "Kính mời ông thừa phát lại Trần Duy Giáo lên kiểm soát các vòng cầu và giám sát buổi xổ số" sau khi phát thanh nhạc hiệu "xổ số quốc gia giúp đồng bào ta xây dựng nước nhà..." do danh hài Trần Văn Trạch hát đã thu sẵn và làm các thủ tục khai mạc buổi xổ số hàng tuần tổ chức tại rạp Thống Nhứt.

Một nhạc sĩ nổi tiếng luôn dính liền tên tuổi với một hay nhiều bài hát "để đời". Như Lê Thương với Hòn Vọng Phu, Hoàng Giáo với Ngày Về, Hoàng Quý với Cô Láng Giềng, Lê Trọng Nguyễn với Nắng Chiều... Và lớp nhạc sĩ kế tiếp thành danh có Nguyễn Văn Đông với Chiều Mưa Biên Giới, Y Vân với Lòng Mẹ, Huỳnh Anh với Mưa Rừng, Lam Phương với Thành Phố Buồn... còn nhắc đến Khánh Băng, người ta nghĩ ngay tới "Vọng Ngày Xanh". "Lịch sử" bản nhạc Vọng Ngày Xanh dính dấp tới địa điểm rạp Thống Nhứt và hai nhân vật khác là Trần Văn Trạch và Hùng Cường. Danh hài Trần Văn Trạch, điều khiển ban văn nghệ Sầm Giang, muốn nâng đỡ và khai thác "giọng ca cao" gần đạt mức ténor của Hùng Cương không tìm được bài thích hợp nên yêu cầu Khánh Băng viết cho một nhạc phẩm mới để Hùng Cường hát. "Vọng Ngày Xanh" ra đời và buổi hát đầu tiên diễn ra tại rạp Thống Nhứt đã đưa tên tuổi Hùng Cường lên cao. Về sau, Hùng Cường nổi bật thêm trên các sân khấu cải lương, anh vẫn thỉnh thoảng ca "chêm vào giữa" tuồng hát hay phần phụ diễn tân nhạc bài "Vọng Ngày Xanh", hoặc bài "Đêm Cuối Cùng" của Hoàng Thi Thơ để chứng tỏ ngôi vị "Vua Tân Cổ Nhạc" chỉ có mình anh xứng đáng! Thực sự, bài "Vọng Ngày Xanh" của Khánh Băng không dễ hát. Ca sĩ nam đủ sức ca ngang ngửa với Hùng Cường chỉ có Thanh Hùng (đã mất tại Pháp), ca sĩ nữ chỉ có Thái Thanh, Lệ Thu mới dám đụng tới. "Vọng Ngày Xanh" nặng về nhạc Tây phương bán cổ điển, thể điệu loại mộ khúc (sérénade), nhịp valse chậm 3/4, âm vực cao thấp cách biệt, thay đổi khi khoan khi nhặt, và nhiều đoạn "note" nhạc cao vút cần ngân và kéo dài rất lâu. Phiên khúc đầu, nhạc và lời xúc cảm:
Thời mưa gió, lá cây tơi bời khắp nơi
Tan nát bao cánh hoa tươi bên thềm
Gió chiêu thét gào não nề
Ôi trời mưa gió điêu tàn gieo bao đau thương.

Qua phiên khúc giữa (thay cho điệp khúc), nhạc mơn trớn, dạt dào (vivace) nhưng lời bùi ngùi, nhung nhớ:
Lòng chạnh nhớ đêm nào ngắm trăng vàng chiếu bên bờ nước xanh mơ hồ
Lòng chạnh nhớ trên đồng lúa xanh chiều ấy ta nhìn cánh chim trời bay
Lòng chạnh nhớ xuân nào đón xuân về với bao mạch sống xuân chan hòa...

Kết thúc phiên khúc cuối, Khánh Băng trở lại giai điệu mở đầu, những lời ca diễn tả nỗi tiếc nuối, thương nhớ những gì đã mất là thời tuổi thơ hạnh phúc thiên thần nơi chốn quê nghèo:
... Lặng nghe gió âm thầm gieo bao nhớ thương
Nay còn đâu mái tranh nghèo ngày nào
Đâu bóng tre làng rì rào, lúa đồng ngạt ngào
Biên thùy xa xôi, biết tìm lại nơi chốn nào?

Nhạc chấm dứt bằng lời ca cất cao qua tiếng gào thét, than trách thống thiết "Trời gió... o...o... Trời gió... o... o... Trời gió..." cao vút lên trời... của một người đứng giữa gió mưa... đòi trả lại "những ngày xanh" đã mất: Khánh Băng viết "Vọng Ngày Xanh" với những hoài vọng tồn lại này xanh trong vô vọng như Marcel Proust đi tìm lại thời gian đã mất vậy!

Khánh Băng là một nhạc sĩ sáng tác lẫn trình diễn. "Style" nhạc Khánh Băng nghiêng về "Thể Hiện" nên nét nhạc gần gũi nhạc Tây phương thời trang, kích động. "Nhạc trẻ thời trang" thời đầu thập niên 1960 tại Sài Gòn, Khánh Băng là tên tuổi nổi bật cùng với Y Vân, Ngọc Sơn, Giao Tiên... vói phong trào nhạc Twist, Rock, Be Bop, A Go Go rần rộ trên các sân khấu đại nhạc hội và sàn nhảy vũ trường. Khánh Băng cùng tay trống Phùng Trọng lập ban nhạc "Khánh Băng - Phùng Trọng" và có những thời gian điều khiển ban nhạc riêng Khánh Băng. Thể dạng sáng tác của Khánh Băng khá phong phú từ thể điệu nhạc đến nội dụng, lời ca: tình ca, tình quê hương, lính chiến thời tao loạn, nhạc tươi vui tuổi trẻ... như Đôi Ngã Chia Ly, Nếu Một Ngày, Có Nhớ Đêm Nào, Giờ Này Anh Ở Đâu, Chiều Hoang, Người Lính Chung Tình, Đêm Cô Đơn, Trăng Thề, Sầu Đông...

Đúng ra, Khánh Băng có một sáng tác nổi tiếng từ thời trẻ, quen thuộc với nhiều người, là bài "Ngày Về Quê Cũ" gần như điệu Pasodoble "kinh điển" trong sinh hoạt phòng trà ca nhạc và vũ trường Sài Gòn trước năm 1975:
Ngày nào năm xưa lòng ta ước mơ
Ngoài nơi biên cương ngày đêm hững hờ
Vời trông quê cũ lắng trong sương mờ
Nhớ thương ai đêm ngày ngóng trông âm thầm một bóng…
Từ đây, sống vui nơi quê nhà
Đồng quê, lúa xanh tươi ngát màu...
Miền Nam, ánh dương lên tưng bừng
Ngàn hoa, thắm tươi như đón mừng...

Số nhạc phẩm sáng tác của Khánh Băng không nhiều như Lam Phương nhưng giống Lam Phương ở điểm Khánh Băng dành rất nhiều tơ nhạc và tâm huyết cho quê hương, mẹ già, em thơ, thân phận làm người. Như bài Vọng Ngày Xanh (ngoài xa vắng quay về quê cũ dấu yêu, mong người mẹ chớ âu sầu làm gì, khi chí trai nặng lời thề quyết diệt giặc thù...), bài Trăng Thề (Ngày mai khi non sông hết chia phôi, về thăm nơi quê xưa mái nhà tranh, tìm em sau bao năm sống trong mong chờ. Phút vui ấy đẹp biết bao!...), bài Người Lính Chung Tình (Anh là người lính chung tình. Gió sương trên vạn bước đường. Ngày đêm anh nhớ em, nhớ mái tóc buông lơi... Nhớ em thì nhớ thương nhiều, nước non còn đó em ơi!. Đời trai chinh chiến phiêu linh...).

Sau năm 1975, Khánh Băng ở lại quê hương, ngưng sáng tác một thời gian dài. Không rõ ông sống như thế nào trong hoàn cảnh khó khăn: người nghệ sĩ, nhạc sĩ phải đánh đàn để sống, nhả tơ để bán mà không đánh đàn được và nhả tơ được theo cảm hứng phóng khoáng của mình. Những năm gần đây, Khánh Băng có viết nhạc trở lại, nhưng không hồi phục được phong độ thuở trước. Bài tình ca "Tình Yêu Là Thế" của Khánh Băng do Thế Sơn hát không bằng các tình ca của ông trước năm 1975. Sau nhiều năm lâm cảnh mù mắt, đến tháng 3 năm 2004, Khánh Băng lại bị tai biến mạch máu não. Gia cảnh khó khăn thêm sau khi thuyên giảm bệnh và xuất viện về nhà. Thông cảm cảnh khổ, người nhạc sĩ nhân hậu, cũng lâm bệnh và tàn tật như ông là Lam Phương, đã gởi về số tiền Mỹ kim khá lớn để giúp đỡ người bạn đồng "kiếp ve sầu" điều trị bệnh. Khánh Băng đã khóc ràn rụa nước mắt để nói thay lời tạ ơn Lam Phương. Nghe lại bài "Kiếp Ve Sầu" của Lam Phương càng thấm thía với lời nhạc đau xót: "Ôi đêm mưa gió... biết cho chăng những kiếp người mang kiếp cầm ca lạc loài. Cuộc đời chỉ mua vui cho ai! Riêng bóng trong đêm dài lẻ loi, vẫn gối chiếc trong rừng vắng âm thầm gạt lệ sầu quên ngày đen tối, đau thương...".

Riêng nhạc sĩ Khánh Băng cũng có một sáng tác hay nhưng không phổ biến nhiều, bài Đêm Cô Đơn, nói lên thân phận làm người gian nan, kiếp nghệ sĩ gian truân trên cõi đời phù du nhưng lắm điêu linh này:
Người ơi, tuyết đông rơi đầy
Gió đông sang lạnh lùng
Đường thiên lý xa muôn trùng
Giá băng ngợp lối đi...
Đành thôi trọn kiếp đời sương gió!

Như André Malreaux nói: La condition humaine est une destinée. Phải chăng những văn nghệ sĩ tài hoa là tiên tri, nhưng họ không cải được số phận và cưỡng được định mệnh?
Về Đầu Trang Go down
https://youme.mam9.com
 
Nhạc sĩ Khánh Băng
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Có sao băng trên sao hỏa

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
..♥: Sân chơi danh riêng cho 9a7 của tui :♥.. :: ..♥: Thế giới âm nhạc :♥.. :: ....♫ Tiểu Sử CaSĩ & NhacSĩ ♫....-
Chuyển đến