Không náo nhiệt như Phan Thiết, ít được biết đến như Mũi Né – Hòn Rơm, nhưng La Gi ẩn chứa một tiềm năng lớn về phát triển du lịch của tỉnh Bình Thuận. Từ Thành phố Hồ Chí Minh đến La Gi khoảng 170 km, một đoạn đường khá phù hợp cho các tour du lịch ngắn ngày. Đến La Gi du khách nào cũng thắc mắc nguồn gốc của địa danh này.
Có người giải thích chữ La ở đây cũng giống như chữ La của La Vang (tỉnh Quảng Trị) hoặc La Ngà (tỉnh Đồng Nai). Còn chữ Gi thì... không giải thích được vì ngay trong từ điển tiếng Việt chỉ có chữ ghi (ghi chép, ghi hình, ghi âm). Có lẽ trong tương lai không xa, chữ La Gi sẽ được “giải mã”, còn hiện nay vùng đất này đang dần được khám phá bởi sự tò mò về cái tên của nó cũng như những nét đẹp do thiên nhiên và con người tạo ra.
Trong lĩnh vực du lịch, nói về sự mến khách và tính thật thà, chân chất của người dân bản địa, chắc chắn Bình Thuận nằm ở vị trí hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Đến đây rồi bạn sẽ thấy nhận định ấy là đúng trong việc vui chơi, ăn uống, mua sắm, giao tiếp... không thấy hồi hộp sợ bị “chặt chém” như nhiều thành phố du lịch khác. Nét chân quê và lòng hiếu khách của người dân La Gi được người viết bài này “mục sở thị” rất nhiều nơi.
Cụ thể tại nhà vườn của ông Lễ (thôn Phước Thọ, xã Tân Phước, thị xã La Gi) và ở một làng chài gần hải đăng Kê Gà. Vườn nhà của ông Lễ rộng 1, 8 ha có nuôi heo, vịt, trồng khoai lang, dừa... để phục vụ du khách. Một ngày cuối tháng 8 vừa qua, nhà vườn ông Lễ đón một đoàn khách khoảng 70 người của một công ty kiểm toán ở tỉnh Bình Dương đi tour theo chương trình Team bullding (Xây dựng tinh thần đồng đội) do một công ty du lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Để phục vụ cho đoàn khách này, ông Lễ phải “huy động” bà con chòm xóm gần như cả thôn Phước Thọ đến phụ giúp. Hàng xóm láng giềng ai nấy cũng đều nhận lời “làm du lịch cho vui” thậm chí có cả một ban nhạc ở thị xã cũng hăng hái lặn lội vào nhà vườn ông Lễ phục vụ cho bữa tiệc tối của du khách.
Kê Gà cách La Gi 18 km, một hòn đảo thuộc xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Cũng giống như chữ La Gi, không ai hiểu tại sao đã Kê (nghĩa là gà) mà lại có thêm chữ Gà. Có người giải thích rằng Kê Gà là cách gọi trại ra từ chữ Khe Gà, vì mũi đất này trước đây có rất nhiều gà rừng sống trong các khe nước. “Điểm nhấn” của Kê Gà chính là ngọn hải đăng cao 65 mét so với mặt biển. Hải đăng Kê Gà được một người Pháp tên Chnavat thiết kế, chính thức đưa vào hoạt động từ năm 1899, sắp tới sẽ được công nhận đưa vào sách kỷ lục là ngọn hải đăng lâu đời nhất Việt Nam. Đứng ở bãi biển La Gi, tôi chợt nhớ đến bãi biển du lịch Pattaya của Thái Lan. Nếu có một chính sách phát triển du lịch hợp lý, sẽ có ngày La Gi cũng ồn ào, náo nhiệt như Pattaya.
Còn bây giờ, trước khi sự “chuyên nghiệp hoá” về du lịch định hình tại vùng biển này, bạn hãy thử một lần ghé thăm La Gi để thưởng thức hết những nét mộc mạc, hoang sơ của một miền quê hương cát trắng.
Đoàn Xuân Hải (Theo Thanh Niên)